Thuế Giá trị gia tăng cũng đã khá quen thuộc với mọi người. Nộp thuế giá trị gia tăng có những phương pháp như: phương pháp khấu trừ, phương pháp trực tiếp, phương pháp hỗn hợp,… thì nộp thuế giá trị gia tăng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập tại Việt Nam cũng thế. Bài viết hôm nay, Uy Danh sẽ làm rõ về việc nộp thuế GTGT về đối tượng, điều kiện và cách tính theo phương pháp khấu trừ đối với trường hợp trên. Các bạn cùng theo dõi nhé!
I. Cơ sở pháp lý
● Điều 8, điều 9 Thông tư hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam số 103/2014/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2014
● Khoản 5 điều 12 Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014
II. Đối tượng và điều kiện áp dụng
Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nộp thuế theo hướng dẫn tại Mục 2 Chương II nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1. Có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam;
2. Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực;
3. Áp dụng chế độ kế toán Việt Nam và thực hiện đăng ký thuế, được cơ quan thuế cấp mã số thuế.
III. Xác định số thuế Giá trị gia tăng phải nộp
Số thuế GTGT phải nộp | = | Số thuế GTGT đầu ra | – | Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ |
Trong đó:
1. Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.
a. Thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng bằng giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân (x) với thuế suất thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ đó.
b. Trường hợp sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá thanh toán trừ (-) giá tính thuế quy định tại khoản 12 Điều 7 Thông tư này.
c. Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ phải tính và nộp thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra. Khi lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, cơ sở kinh doanh phải ghi rõ giá bán chưa có thuế, thuế GTGT và tổng số tiền người mua phải thanh toán. Trường hợp hóa đơn chỉ ghi giá thanh toán (trừ trường hợp được phép dùng chứng từ đặc thù), không ghi giá chưa có thuế và thuế GTGT thì thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra phải tính trên giá thanh toán ghi trên hóa đơn, chứng từ.
Ví dụ:
Doanh nghiệp bán sắt, thép, giá bán chưa có thuế GTGT đối với sắt F6 là: 11.000.000 đồng/tấn; thuế GTGT 10% bằng 1.100.000 đồng/tấn, nhưng khi bán có một số hóa đơn doanh nghiệp chỉ ghi giá bán là 12.100.000 đồng/tấn thì thuế GTGT tính trên doanh số bán được xác định bằng: 12.100.000 đồng/tấn x 10% = 1.210.000 đồng/tấn thay vì tính trên giá chưa có thuế là 11.000.000 đồng/tấn.
d. Cơ sở kinh doanh phải chấp hành chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trường hợp hóa đơn ghi sai mức thuế suất thuế giá trị gia tăng mà cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý như sau:
Đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ: Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo thuế suất đã ghi trên hóa đơn; Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn thấp hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo thuế suất thuế GTGT quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT.
2. Thuế GTGT đầu vào bằng (=) tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
a. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào là loại được dùng chứng từ đặc thù ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì cơ sở được căn cứ vào giá đã có thuế và phương pháp tính hướng dẫn tại khoản 12 Điều 7 Thông tư này để xác định giá chưa có thuế và thuế GTGT đầu vào.
Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ được xác định theo nguyên tắc, điều kiện khấu trừ thuế GTGT quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Thông tư này.
Ví dụ:
Trong kỳ, Công ty A thanh toán dịch vụ đầu vào được tính khấu trừ là loại đặc thù:
Tổng giá thanh toán 110 triệu đồng (giá có thuế GTGT), dịch vụ này chịu thuế là 10%, số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tính như sau:
[110 triệu/(1 +10%)] x 10% = 10 triệu đồng
Giá chưa có thuế là 100 triệu đồng, thuế GTGT là 10 triệu đồng.
b. Trường hợp hóa đơn ghi sai mức thuế suất thuế giá trị gia tăng mà các cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý như sau:
● Đối với cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ: Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua vào cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT. Trường hợp xác định được bên bán đã kê khai, nộp thuế theo đúng thuế suất ghi trên hóa đơn thì được khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn nhưng phải có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý người bán; Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn thấp hơn thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn.
● Đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ: Trường hợp cơ sở kinh doanh khi nhập khẩu hàng hóa đã khai, nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, khi bán cho người tiêu dùng đã lập hóa đơn ghi thuế suất thuế GTGT trên hóa đơn GTGT bán ra đúng bằng với mức thuế suất thuế GTGT đã khai, nộp thuế ở khâu nhập khẩu nhưng mức thuế suất thuế GTGT đã khai (ở khâu nhập khẩu và khâu bán ra nội địa) thấp hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT và cơ sở kinh doanh không thể thu thêm được tiền của khách hàng thì số tiền đã thu của khách hàng theo hóa đơn GTGT được xác định là giá đã có thuế GTGT theo thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT để làm cơ sở xác định đúng số thuế GTGT phải nộp và xác định doanh thu tính thuế TNDN.
Ví dụ:
Trong tháng 3 năm 2014, cơ sở kinh doanh A (là đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ) nhập khẩu sản phẩm có tên “CHAIR MM” và đã khai, nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu với mức thuế suất là 5%. Tháng 5/2014, cơ sở kinh doanh A bán 01 sản phẩm “CHAIR MM” cho khách hàng B, giá chưa có thuế GTGT là 100 triệu đồng. Do khi nhập khẩu đã áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% nên cơ sở kinh doanh A lập hóa đơn GTGT giao cho khách hàng B ghi: giá tính thuế là 100 triệu đồng; thuế suất thuế GTGT là 5% và thuế GTGT là 5 triệu đồng, tổng giá thanh toán có thuế GTGT là 105 triệu đồng. Khách hàng B đã thanh toán đủ 105 triệu đồng.
Năm 2015, cơ quan thuế kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh A áp dụng sai thuế suất thuế GTGT đối với sản phẩm “CHAIR MM” bán cho khách hàng B (thuế suất thuế GTGT đúng phải là 10%). Do giao dịch giữa cơ sở kinh doanh A và khách hàng B đã kết thúc nên cơ sở kinh doanh A không có căn cứ để thu thêm tiền của khách hàng B (khách hàng B không chấp nhận thanh toán bổ sung tiền thuế tăng thêm). Cơ quan thuế xác định lại số thuế GTGT mà cơ sở kinh doanh A phải nộp và xác định doanh thu tính thuế TNDN như sau:
Tổng giá thanh toán khách hàng B đã trả 105 triệu đồng được xác định là giá đã có thuế GTGT theo mức thuế suất 10%, số thuế GTGT phải nộp đúng được xác định như sau:
[105 triệu/(1 + 10%)] x 10% = 9.545 triệu đồng
Số thuế GTGT cơ sở kinh doanh A còn phải nộp bổ sung là:
9,545 triệu – 5 triệu = 4, 545 triệu đồng.
Doanh thu tính thuế TNDN của mặt hàng “CHAIR MM” bán cho khách hàng B được xác định là:
105 triệu – 9,545 triệu = 95, 455 triệu đồng
IV. Kết luận
Tóm lại, nộp thuế gtgt theo phương pháp khấu trừ đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam thì đối tượng và điều kiện áp dụng là có cơ sở thường trú hoặc đối tượng cư trú tại Việt Nam, thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên và áp dụng chế độ kế toán Việt Nam và thực hiện đăng ký thuế, được cơ quan thuế cấp mã số thuế. Ngoài nội dung trên thì bài viết còn nêu rõ cách tính và cho ví dụ cụ thể để các bạn dễ hình dung.
V. Thông tin liên hệ
Trên đây là bài viết cung cấp toàn bộ những thông tin pháp lý liên quan đến nộp thuế gtgt theo phương pháp khấu trừ đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam. Uy Danh mong rằng bài viết này sẽ hữu ích đối với bạn đọc. Nếu còn thắc mắc hay muốn được tư vấn thì hãy liên hệ ngay với chúng tôi.
Uy Danh là Công ty Dịch vụ kế toán và Thành lập doanh nghiệp mang đến sự lựa chọn hàng đầu của quý doanh nghiệp, cam kết cung cấp dịch vụ chất lượng – uy tín tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Hãy liên hệ ngay đến với Uy Danh để được tư vấn miễn phí và giải đáp những thắc mắc của Quý khách hàng.
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ VÀ TƯ VẤN TAX UY DANH
● Mã số thuế: 0315.367.844 Hotline: 0968.55.57.59
● Địa chỉ: 45D Đường D5, Phường 25, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
● Website: uydanh.vn Email: info@uydanh.vn
The post NỘP THUẾ GTGT THEO PHƯƠNG PHÁP KHẤU TRỪ ĐỐI VỚI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI KINH DOANH TẠI VIỆT NAM HOẶC CÓ THU NHẬP TẠI VIỆT NAM appeared first on .
Nguồn https://uydanh.vn/nop-thue-gtgt-theo-phuong-phap-khau-tru-doi-voi-to-chuc-ca-nhan-nuoc-ngoai-kinh-doanh-tai-viet-nam-hoac-co-thu-nhap-tai-viet-nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét